Cái Mũi và Bịch Khăn Giấy

Cái Mũi và Bịch Khăn Giấy

Gia Lai. Lạnh. Cái lạnh tê tái cùng với thời tiết thay đổi liên tục đủ sức dày vò bất cứ ai sở hữu Cái Mũi không tốt. Tôi cũng thế các ông ạ.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, là dân phố núi chính gốc nhưng tôi chẳng thể nào thích nghi được với khí hậu nơi đây.

Mỗi lần trở trời, thời tiết thay đổi là tôi lại bệnh. Gọi là bệnh cho oai chứ thực ra cũng chẳng to tát gì. Có một vài trục trặc nho nhỏ xảy ra với đường hô hấp của tôi mà dân gian vẫn thường gọi là viêm mũi dị ứng.

Mùa nắng, trời mát mẻ còn đỡ. Đến mùa mưa, trời se lạnh là y như rằng. Tôi hắt hơi, sổ mũi liên tục. Gần như tuần nào cũng phải uống thuốc tây.

Tôi  mua thuốc thường xuyên đến nỗi mấy chị bán thuốc gần nhà chai mặt. Cứ thấy tôi mò qua là biết ngay bị gì, cứ thế mà hốt, không buồn hỏi. Một số chị vui tính hay gọi tôi trìu mến là "Hưng thuốc". Nghệ danh nghe thật "bệnh".

Quá lệ thuộc vào thuốc tây khiến cơ thể và tinh thần tôi thường xuyên rơi vào tình trạng lờ đờ, mệt mỏi. Mặc dù uống vào thì đỡ sổ mũi, nghẹt mũi thật nhưng cuộc vui chẳng tày gang. Đỡ vài hôm, mấy hôm sau lại bị. Được cái lọ thì mất cái chai. Khổ kinh được.

Đời người không ít thì nhiều, ai rồi cũng phải trải qua vài chục cử thuốc. Không thuốc tây thì cũng thuốc nam, thuốc bắc. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa muốn dính đến thứ đó ngay lúc này, ngay tuổi này.

Cũng may là tôi không có niềm đam mê với thuốc lá. Nếu song thuốc hợp bích chắc giờ ko ngồi đây gõ mấy dòng vớ vẩn này cho các ông đọc được.

Mà kể cũng lạ, hút thuốc lá có hại thế mà thấy mấy ông hút thuốc ông nào cũng khoẻ như vâm, thậm chí chả thấy bệnh tật gì. Nhiều ông còn vui tính: "Mày hút thuốc vào là hết sụt sịt ngay".

Chả biết đúng không. Tôi ko thử, cơ bản là tôi không chịu được mùi thuốc lá. Giang hồ vẫn đồn đại "Hút thuốc có hai sức khoẻ. Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao". Có thể đúng thật. Nhưng kệ.

Cũng vì Cái Mũi lúc nào cũng sụt sịt nên tôi có thói quen đi đâu cũng mang theo Bịch Khăn Giấy.

Ngày còn học phổ thông, lúc nào trong túi tôi cũng thủ sẵn một bịch Pulppy, loại giấy gấp bỏ vào bịch nhỏ hình chữ nhật giống như bao thuốc lá. Một bịch đâu đó tầm mười tờ, nếu tôi nhớ không lầm.

Thời đấy cũng còn một vài loại khăn giấy khác nhưng Pulppy vẫn là sự lựa chọn số một của tôi. Thậm chí đến bây giờ vẫn vậy.

Nếu cho tôi dùng một câu để miêu tả khăn giấy Pulppy thì tôi chỉ ngắn gọn thế này: "Mềm mượt như Khải Silk mà thấm hút thì siêu hơn cả Kotex".

Lúc đó tôi ốm lắm, người như que củi. Mũi thì lúc nào cũng sụt sịt nên trông tôi khá yếu đuối trong mắt chúng bạn. Đã thế túi còn kè kè Bịch Khăn Giấy nên cái sự yếu đó càng thêm không thể nghi ngờ. Vì thế mà nhiều khi tôi rất ngán đi học. Phần vì ngại, phần vì sợ trêu chọc.

Khổ một cái, viêm mũi dị ứng không phải là loại bệnh nằm trong danh sách các bệnh "đủ tiêu chuẩn" để được nghỉ học. Vậy nên ngại thì cứ ngại, ngán vẫn cứ ngán, mà học thì cứ phải học.

Thời gian dần trôi, tôi quen dần với chuyện đó. Bạn bè cũng chẳng đứa nào buồn mồm chọc ngoáy vào nỗi đau ấy nữa. Mỗi khi "buồn", tôi tự tin rút Bịch Khăn Giấy ra, xì một phát rõ to và cực kì hoành tráng. Thật đã. Nhưng vẫn ghét Cái Mũi.

Tôi bị viêm mũi dị ứng hơi nặng nên lượng Pulppy tôi xài cũng kha khá. Có hôm 1 bịch không đủ. Nhiều khi lên cơn buồn hắt hơi mà hết giấy thì chào thua.

Một tay đang viết bài thì vô dụng rồi. Tay kia luôn thủ thế sẵn để bụm mõm lại. Nhưng một tay thì khó vỗ nên kêu. Vừa không có khả năng thấm hút, lại còn đầy kẻ hở, rất khó phòng thủ.

Chưa kể nhiều pha còn không thủ kịp. Cơn hắt xì đến chớp nhoáng. Bao nhiêu "tinh hoa" phun ra hết trong một nốt nhạc. Kẻ nào ngồi gần chắc chắn sẽ vạ lây. Nếu như gọi đây là một "skill", thì thằng ngồi phía đối diện sẽ dính sát thương cao nhất. Tội nó thật. Nhưng bệnh mà, biết làm sao được.

Cũng may thời đó Covid chưa xuất hiện, không thì một vé cách ly nằm trong tầm tay của tôi rồi. Và biết đâu bác Nguyễn Nhật Ánh lại có cảm hứng để viết thêm cuốn "Cho tôi xin một vé đi cách ly".

Vui. Đó là một trong những kỉ niệm khó quên trong quãng đời học sinh của tôi.

Nhưng vui không đồng nghĩa với việc tôi thích nghi được với Cái Mũi của mình. Viêm mũi dị ứng gây sổ mũi rất khó chịu, làm việc gì cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi ăn đồ cay, nóng.

Phụ nữ mỗi tháng "tới ngày" thì tôi mỗi tháng cũng "tới vài ngày". Mỗi khi "bị" là tôi rất lười đi ra ngoài. Ngán nhất là khi lũ bạn rủ rê đi ăn uống. Từ chối một, hai lần còn được. Từ chối mãi thì bọn nó xem tôi ra gì nữa. Thế nên nhiều hôm cũng đành bấm bụng đi theo.

Mặc dù có Bịch Khăn Giấy đồng hành trên mọi hành trình. Nhưng những lúc như thế tôi rất sợ. Tôi sợ sẽ không kiềm chế được mà tung đòn vào tô bún hoặc tô phở vô tội nào đó.

Khoảnh khắc giọt nước mũi nhầy nhầy chạm vào đồ ăn, tòng teng, tòng teng… nhẹ nhàng và đầy thi vị. Một cuộc khủng hoảng ăn uống có thể nổ ra ngay tại quán. Mà kẻ thủ ác chính là Cái Mũi không nên thân của tôi. Mới nghĩ đến thôi cũng thấy hãm rồi.

Và còn vô số chuyện linh tinh khác xoay quanh Cái Mũi của tôi nữa.

Các ông đã thử cảm giác vừa rửa chén vừa đưa tay quẹt giọt nước mũi vương trên khoé mõm vì lau không kịp chưa.

Hoặc là đôi khi vừa quét nhà vừa đánh rơi từng hạt nước mũi như những giọt sương mai buổi sớm tô điểm cho cái sàn nhà thêm nhoè nhoẹt ra.

Đêm ngủ có ngon giấc không hay luôn bị tẹt một bên như chàng lính ngự lâm vác nòng pháo tịt. Mõm thở khò khè lên trầm xuống bổng, giai điệu du dương như ca sĩ Chi Pu đang hát bài Chiếc ố.

Chán. Tôi ghét Cái Mũi.

Gia Lai cái gì cũng tốt. Chỉ có cái khí hậu thất thường, đỏng đảnh như cô gái mới lớn là tôi không thích. Bởi vì tôi không thể nào "cưa" đổ cô ấy.

Giá như tôi có Cái Mũi hàng Việt Nam chất lượng cao thì tuyệt vời biết bao. Nhưng đó chắc chắn là điều không thể. Sữa tươi có thể nguyên chất 100%, nhưng con người không thể hoàn hảo 100% được.

Bao nhiêu năm đã qua, vui có, buồn có. Không biết từ lúc nào tôi chợt nhận ra… bên cạnh gia đình và người thân còn có hai thứ luôn đồng hành cùng tôi suốt cả cuộc đời này. Hai thứ khiến tôi vừa yêu, vừa hận. Đó là Cái Mũi và Bịch Khăn Giấy.

Bài trước
Bài tiếp

0 Comments: